Người Trung Quốc tranh cãi về QR code gây cháy nổ ở cây xăng

 Việc Bắc Kinh cấm người dùng thanh toán gần trụ xăng bằng QR code do lo ngại cháy nổ khiến người dùng mạng xã hội nước này dậy sóng.

Một ngày mùa hè năm 2018, tại tỉnh Hà Nam thuộc miền Đông Trung Quốc, một người đàn ông vừa đổ xăng xe, vừa dùng smartphone quét mã QR trên ứng dụng để trả tiền. Một vụ nổ bùng lên, 4 người tại trạm xăng thiệt mạng.

Câu chuyện lập tức lan truyền khắp mạng xã hội Trung Quốc. Smartphone được cho là thủ phạm gây nên vụ nổ, mặc dù sau đó các nhà chức trách xác nhận nguyên nhân là do rò rỉ khí đốt tự nhiên chứ không phải do thao tác quét mã QR.

Tháng 7/2020, Cục Quản lý Tình trạng khẩn cấp Bắc Kinh đã ban hành quy định cấm sử dụng smartphone gần các trụ xăng. Thông báo nêu rõ: "quét mã QR tại trạm xăng tiềm ẩn rủi ro cháy nổ". Người dùng nên vào khu phòng chờ riêng để thanh toán bằng di động.

Trên Weibo, chủ đề "Bắc Kinh cấm quét mã QR gần trụ xăng" đang thu hút hơn 63 triệu lượt đọc và hơn 3 nghìn lượt bình luận. Một số người cho rằng quy định cấm sử dụng smartphone gần trụ xăng là cần thiết, nhưng số khác nói đây sẽ là bước lùi trong cuộc chuyển đổi số, gây lãng phí, mất thời gian của người dân.

"Tôi đã thanh toán bằng QR tại cây xăng bốn năm nay và chưa gặp bất kỳ sự cố nào liên quan đến cháy nổ. Chưa kể trong bối cảnh mọi người phải giữ khoảng cách vì Covid-19, giải pháp di chuyển vào nhà chờ để thanh toán là không hợp lý", tài khoản Zhang Xiao bình luận. Tuy nhiên, không ít người đồng ý với quy định của Bắc Kinh. Người dùng Yucheng nói: "An toàn là trên hết. Chỉ cần một sự cố nhỏ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tôi nghĩ thanh toán trong nhà cũng không thành vấn đề. Tính mạng là hơn cả".

Ở Trung Quốc, các ứng dụng thanh toán di động phổ biến như WeChat Pay, Alipay chủ yếu dựa vào mã QR. Phòng công tố viên ở thành phố Haining, miền Đông Trung Quốc, đã tiến hành thí nghiệm cho thấy bức xạ phát ra từ điện thoại khi quét QR code mạnh hơn nhiều so với gọi điện thoại.

Nhiều quốc gia trên thế giới khẳng định rủi ro cháy nổ do QR code rất thấp nên chấp nhận cho thanh toán bằng hình thức này ngay tại trụ đổ xăng. Ảnh: Shell.

Nhiều quốc gia trên thế giới khẳng định rủi ro cháy nổ do QR code rất thấp nên chấp nhận cho thanh toán bằng hình thức này ngay tại trụ đổ xăng. Ảnh: Shell.

Mặc dù tĩnh điện có thể đốt cháy hơi xăng, có rất ít bằng chứng về các vụ nổ do điện thoại gây ra gần trụ bơm. Cơ quan Tiêu chuẩn Kỹ thuật và An toàn của Canada cho biết, trong vòng 20 năm, họ chưa ghi nhận một trường hợp nào cháy nổ ở trạm xăng do tác động từ điện thoại di động. Xác suất sự cố là 1/10 tỷ. Do đó, các nhà chức trách Canada đã rút lại các lệnh cấm, cho phép sử dụng điện thoại để thanh toán tại các trạm xăng. Các chuyên gia công nghệ đánh giá việc cải tiến công nghệ cũng góp phần đáng kể vào việc giảm tỷ lệ cháy nổ do smartphone gây ra.

Viện Thiết bị Dầu mỏ có trụ sở tại Mỹ viết trên website của đơn vị này rằng: Các vụ cháy nổ liên quan đến tĩnh điện đã giảm rất nhiều những năm gần đây nhờ công nghệ thu hồi hơi trên xe ôtô.

Tuy nhiên, không vì thế người dùng có thể vô tư sử dụng smartphone khi đổ xăng. Các chuyên gia vẫn cảnh báo nên cảnh giác. "Người dùng smartphone nên tập trung vào nhiệm vụ tiếp nhiên liệu chứ không phải sử dụng điện thoại di động để gọi điện hoặc nhắn tin", Cơ quan Tiêu chuẩn Kỹ thuật và An toàn của Canada khuyến cáo.

Khương Nha (theo SCMP

 

 


Top